Bí Ẩn Ngôi Nhà Trên 100 Năm Tuổi Của Công Tử Bạc Liêu
Nhà công tử Bạc Liêu là một trong 3 ngôi nhà cổ còn lại lưu nét văn hóa thời điền chủ, bá hộ ngày trước. Đến tham quan nhà công tử Bạc Liêu chúng ta sẽ hiểu rõ thêm về nét văn hóa thời điền chủ cũng như phần nào tìm hiểu được cuộc sống vương giả của vị công tử nổi tiếng ăn chơi khét tiếng xứ Nam Kỳ xưa.
Nội dung bài viết
Vài nét về Công Tử Bạc Liêu
Trong bài ca ” Bạc Liêu hoài cổ” có câu : “Bạc Liêu là xứ cơ cầu, dưới sông cá chốt, trên bờ tiều Châu, vang danh công tử Bạc Liêu, đốt tiền nấu trứng, tỏ ra mình giàu” đó cũng là giai thoại về công tử Bạc Liêu.
Ông tên thật là Trần Trinh Huy sinh năm 1900, mất 1974. Ông được người dân địa phương gọi là cậu Ba Huy. Chính vì ông xuất thân từ gia đình bá hộ, là con trai thứ ba của ông hội đồng Trần Trinh Trạch, một trong 4 người giàu nhất Nam Kỳ thời bấy giờ.
Công tử Bạc Liêu nổi tiếng với sự ăn chơi và tiêu xài tiền, tương truyền ông đã tiêu hết 5 tấn vàng trong suốt cuộc đời của mình.
Công tử Bạc Liêu đã được người ta biết đến với rất nhiều giai thoại ăn chơi bạt mạng và lắm vợ nhiều….bồ. Ông là khách quen của tất cả các nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn, đánh bạc với số tiền khổng lồ và lái máy bay đi thăm ruộng. Là người hào hoa, phong nhã, cách ăn chơi khá phóng túng, đốt tiền nấu trứng, hay giai thoại ông đốt một tờ tiền mệnh giá lớn để tìm chiếc bông tai cho cô Phùng Há.
Bên cạnh những giai thoại ăn chơi như bậc đế vương thì khối tài sản của gia đình ông được biết đến là một trong bốn người giàu nhất xứ Nam Kỳ thời bấy giờ. Tương truyền khối gia sản khủng của nhà ông gồm tiền, vàng, ruộng, đất nhiều vô số, không thống kê hết. Ở Bạc Liêu cứ 10 mẩu ruộng thì hết 9 mẩu là sở hữu của gia đình ông. Tiền nhiều đến mức đóng vô thùng bị mối, mọt ăn phải đem phơi trên sân thượng.
Người dân thời đó kể lại, nhà của ông nhiều đến mức không đếm được và cũng không nhớ hết bao nhiêu nhà ông đã sở hữu. Nhưng theo đề cập thì ngôi nhà chính của cha ông là Trần Minh Trạch đã xây dựng cách đây hơn 100 năm
Tìm hiểu về ngôi nhà của Công Tử Bạc Liêu
Địa chỉ nhà công tử Bạc Liêu
Nhà công tử Bạc Liêu hiện tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, TP Bạc Liêu, nằm quay mặt về hướng sông Bạc Liêu. Ngôi nhà mang kiến trúc phương Tây sang trọng nằm trên đoạn đường trung tâm Thành Phố Bạc Liêu.
Lịch sử hình thành nhà công tử Bạc Liêu
Để tìm hiểu về ngôi nhà được gắn với tên vị công tử Bạc Liêu, chúng ta phải đi tìm hiểu về cha của ông là chính là ông Hội đồng Trần Trinh Trạch.
Truyện được kể từ ông ngoại của cậu Ba Huy, một cách gọi của gia đinh với công tử Bạc Liêu, là một Bá Hộ có tiếng trong vùng. Nhiều lần đi đóng thuế đất ông chấm Trần Trinh Trạch là người đứng đắn đàng hoàng. Ông đã tạo cơ hội cho cô con gái thứ 4 của mình và thầy ký Trạch gặp nhau tìm hiểu và quyết định làm lễ cưới cho họ.
Bá hộ Bì cho vợ chồng ông một sở đất để ở riêng. Từ đây thầy Trạch thôi làm công chức, chuyển sang làm địa chủ. Ông Trạch được biết đến là người vừa thông minh lại tài giỏi nên chẳng bao lâu đã xây dựng được cả một cơ nghiệp đồ sộ gồm đất lúa, ruộng muối và nhà cửa ông cầm cố từ nhiều bậc công tử ăn chơi mà có.
Dinh thự do ông Trần Trinh Trạch, tức Hội đồng Trạch, cha Công tử Bạc Liêu xây khi công tử mới 19 tuổi. Ngôi nhà lớn do ông hội đồng Trạch khởi công xây dựng từ năm 1917 đến năm 1919 thì hoàn thành. Căn biệt thự sở hữu kiến trúc bề thế nhất lục tỉnh miền Tây thời điểm lúc đó nên được người dân nơi đây gọi với cái tên “nhà lớn”.
Được biết căn biệt thự của gia tộc Trần Trinh được đích thân ông Trần Trinh Trạch bỏ tiền ra xây dựng. Căn nhà mang lối kiến trúc của Pháp trên nền phong thủy của người Hoa. Tất cả vật liệu đắt đỏ đều được nhập từ nước Pháp. Các đường nét hoa văn cũng được ông thuê thợ vẽ người Pháp thực hiện.
Kiến trúc nhà công tử Bạc Liêu
Ngôi nhà tuy có tuổi đời 100 năm tuổi nhưng với kiểu kiến trúc Tây Âu thì trông nó vừa có nét cổ kính vừa hiện đại. Ngôi biệt thự do kĩ sư người Pháp thiết kế, hầu hết vật liệu xây dựng được mang từ Paris về. Nhiều chi tiết, vật liệu, đồ nội thất trong nhà được nhập khẩu từ Pháp, từ các bù long, ốc vít cho đến các chi tiết xây dựng đều có đóng dấu chìm mẫu tự P thể hiện xuất xứ.
Ngay khi bước chân vào ngôi nhà, du khách sẽ bị cuốn hút bởi những đường nét thiết kế tỉ mỉ, tinh tế, toát lên vẻ sang trọng và hào hoa. Những chiếc đèn màu vàng tỏa ánh sáng lung linh tạo cảm giác ấm cúng và lịch lãm. Trên mỗi cây cột của ngôi nhà đều được trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt.
Tầng trệt của dinh thự gồm 2 phòng ngủ, phòng khách cùng hai đại sảnh rộng cùng với cầu thang lớn dẫn lên lầu. Trên lầu cũng có 2 phòng ngủ và hai đại sảnh rộng, thoáng, hút nắng, gió, khiến cho dinh thự luôn thông thoáng, mát mẻ.
Cầu thang lên tầng hai được làm bằng đá cẩm thạch, chia làm 3 đoạn, mỗi đoạn 9 bậc tượng trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu. Cầu thang gỗ dẫn lên sân thượng trước đây là nơi ông hội đồng Trạch, cha của Công tử Bạc Liêu dùng để phơi tiền.
Đến nay, công trình đã hơn năm tuổi nhưng những giá trị kiến trúc, nghệ thuật tại dinh thự của cậu Ba Huy, không những không bị “lạc hậu” so với thời thế mà trái lại, càng trở nên quý giá và được đánh giá cao.
Nội thất và những món đồ của công tử Bạc Liêu
Với những vật dụng và nội thất căn nhà đang trưng bày có thể phần nào cho chúng ta hình dung được cuộc sống xa hoa và tính cách rất đặc biệt của vị công tử này.
Trần nhà được vẽ bằng tay bởi những nghệ nhân người Pháp. Đường nét mang phong cách châu âu cổ rất đẹp
Bộ trường kỷ ngũ sơn dùng để tiếp khách quý và các bậc quan quyền, gỗ được sử dụng để làm ra bộ trường kỷ ngũ sơn là loại gỗ xưa, rất có giá trị. Ước tính mỗi kg gỗ xưa hiện nay có giá khoảng 20 triệu.
Ở góc phòng ngoài căn nhà có kê một chiếc sập làm bằng gỗ lim rất hiếm. Chiếc sập nhà công tử Bạc Liêu được làm từ gỗ lim nguyên khối. Theo ước tính nếu cây gỗ lim có kích thước lớn như vậy có tuổi từ 500 tuổi trở lên.
Xe hạng sang hiếm có
Nói về thú chơi xe thời bấy giờ, Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy khiến nhiều người phải kinh ngạc trước những gì ông thể hiện. Bởi trong mắt họ, hình ảnh một người đi vào đồn điền bằng xe hơi là hình ảnh họ chưa từng thấy trước đó.
Cậu Ba Huy sở hữu một trong hai chiếc Peugeot thể thao, sản xuất năm 1922. Loại xe này cả miền Nam khi ấy chỉ có 2 chiếc, một chiếc của ông Huy còn chiếc kia là của vua Bảo Đại.
Người đầu tiên sở hữu máy bay riêng
Công tử Bạc Liêu là người đầu tiên sở hữu máy bay riêng, nếu không tính máy bay riêng của vua Bảo Đại. Ông từng gây chấn động khi Bạc Liêu khi sở hữu chiếc máy bay nhập khẩu từ Pháp
Giường ngủ rất đắt tiền
Trong nhà có hẳng 2 phòng ngủ riêng để đặt 2 chiêc giường. Một chiếc để cậu Ba ngủ vào mùa hè nóng. Đây là loại giường được cẩm đá quý, có chức năng làm mát khi trời nóng. Loại gỗ để làm giường là loại gỗ lim trên trăm năm tuổi. Chiếc giường thứ 2 là giường ông dùng ngủ khi trời lạnh, giường được làm hoàn toàn bằng gỗ quý. Vào mùa mưa, trời lạnh ngủ trên loại giường này có cảm giác được ấm áp.
Ngoài ra trong nhà còn có bộ trường kỷ được làm từ 1 tấm gỗ nguyên, bộ bàn xoay “Tam lân” (bàn tròn mặt bằng đá, chân quỳ tam giác có chạm 3 con lân), bộ “Tượng bành” (có hình chiếc bành đặt trên lưng voi), sạp “Tam thành” (3 vách) là nơi ngủ của Trần Trinh Khương, em trai của Công tử Bạc Liêu), giường ngủ của ông bà Hội đồng Trạch, giường cho khách hút thuốc phiện, bàn đánh bài, bình hoa ,… đều là những vật dụng rất có giá trị.